Cá chuồn đạp xe, bạch tuộc mây tre xuất hiện tại đường hoa biển Đà Nẵng

Ngày5/7, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức khai trương đường hoa biển Đà Nẵng 2024

Video màn trình diễn 'cháy' trời của 2 đội vào chung kết pháo hoa Đà Nẵng

Năm nay đại diện dự thi là đội Liuyang Jingduan New-art Display đến từ tỉnh Hồ Nam.

Choáng ngợp với sự thú vị của Việt Nam, du khách Anh dành 3 tháng khám phá

Những cao ốc và các tòa nhà chọc trời sáng rực cả bầu trời và dòng xe cộ lưu thông không ngừng nghỉ, tôi biết mình sẽ không thiếu cảnh thú vị để chụp ở đây

Khách Tây nườm nượp kéo đến ăn thử quán phở vỉa hè được Michelin đề xuất

13h, Asta Filipa Streich (28 tuổi) và bạn trai người Đan Mạnh tìm đến quán phở Khôi Hói theo lời gọi ý của những người bạn quốc tế đã từng tới đây

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Friday, December 6, 2024

Tiền Giang đón 1.000 du khách từ Ấn Độ

Tiền Giang đón 1.000 khách đông nhất từ Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm - Ảnh 1.

Đoàn du khách Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm tại tỉnh Tiền Giang - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Ngày 7-12, ông Nguyễn Vũ Khanh - giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang - cho biết đây là đoàn khách đông nhất trong năm 2024 mà trung tâm tiếp đón. Đoàn du khách này đến từ Công ty dược phẩm JB Pharma Ấn Độ.

Tiền Giang đón đoàn hơn 1.000 khách Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm vùng sông nước

Theo lịch trình, đoàn du khách sau khi đến Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang sẽ di chuyển xuống các tàu để đến tham quan tại cù lao Thới Sơn, TP Mỹ Tho.

Tại đây, du khách được thưởng thức trà mật ong thơm lừng, đậm đà hương sắc miền sông nước. Tiếp đến, du khách sẽ đi tham quan trên những chiếc xe điện để trải nghiệm trên đường làng, thưởng thức những loại trái cây đặc trưng của địa phương và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ.

Du khách sẽ được trải nghiệm trên những chiếc xuồng chèo qua những tuyến kênh, rạch đặc trưng sông nước miền Tây, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa và ăn cơm trưa tại cồn Phụng (tỉnh Bến Tre).

Sau đó, đoàn du khách tiếp tục tham quan chùa Vĩnh Tràng (TP Mỹ Tho), một trong những ngôi chùa lâu đời của vùng đất Nam Bộ với kiến trúc vô cùng độc đáo, trước khi trở lại TP.HCM.

Cũng theo ông Khanh, hiện lượng khách quốc tế đến tỉnh đang bắt đầu tăng khoảng 20% so với những tháng trước. Khách quốc tế đến Tiền Giang chủ yếu từ các nước như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trung bình mỗi ngày bến tàu thủy du lịch Mỹ Tho đón khoảng 1.000 lượt khách. Những ngày cuối tuần, bến tàu đón khoảng 1.400 - 1.500 lượt khách.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp đón các đoàn khách nước ngoài được tốt nhất, theo ông Khanh, trung tâm phối hợp chặt chẽ với công ty du lịch địa phương, phối hợp với ngành công an để đảm bảo an ninh trật tự. Từ đó đem lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Tiền Giang.

Tiền Giang đón 1.000 du khách từ Ấn Độ - Ảnh 2.

Du khách thưởng thức trái cây, uống trà mật ong thơm lừng, đậm đà hương sắc miền sông nước - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Tiền Giang đón 1.000 khách đông nhất từ Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm - Ảnh 3.

Đoàn du khách Ấn Độ đến tham quan tại cù lao Thới Sơn - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Tiền Giang đón 1.000 khách đông nhất từ Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm - Ảnh 4.

Đoàn du khách Ấn Độ thích thú trải nghiệm khi đi trên những chiếc tàu du lịch chạy trên sông Tiền - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Tiền Giang đón 1.000 du khách từ Ấn Độ - Ảnh 5.

Du khách Ấn Độ đi xuồng dạo quanh các kênh rạch ở miền Tây - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Du lịch 2024 tăng trưởng nhưng nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận sụt giảm

Du lịch 2024 tăng trưởng nhưng lợi nhuận sụt giảm - Ảnh 1.

Du khách quốc tế nhộn nhịp trên đường phố TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty du lịch uy tín và Top 5 khách sạn, resort uy tín năm 2024.

Báo cáo đi kèm cũng cho thấy bức tranh ngành du lịch đã có tăng trưởng tích cực nhưng đối mặt thách thức kiểm soát chi phí và chuyển đổi số.

Theo Vietnam Report, mặc dù doanh thu của ngành du lịch - khách sạn tiếp tục tăng trưởng ổn định với nhiều tín hiệu tích cực, áp lực chi phí đang gia tăng, tỉ lệ doanh nghiệp báo cáo sụt giảm lợi nhuận tăng từ 7,2% lên 11,1%, cho thấy thách thức lớn trong việc kiểm soát chi phí vận hành và duy trì biên lợi nhuận.

Sau giai đoạn kinh tế biến động với lạm phát gia tăng, giá cả hàng hóa leo thang và khủng hoảng địa chính trị, người tiêu dùng đã có xu hướng tiết kiệm và tập trung chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với yêu cầu đầu tư vào chuyển đổi số, áp lực chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, và chi phí vận hành ngày càng leo thang.

Song song, phát triển bền vững trở thành một ưu tiên dài hạn với tỉ lệ doanh nghiệp chú trọng quản trị rủi ro đạt 57,1%. Đáng chú ý, nhu cầu dịch vụ bền vững từ khách hàng đang gia tăng mạnh mẽ, với tỉ lệ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ thân thiện môi trường đạt 80,9% năm 2024.

Trong bối cảnh này, ngành du lịch năm 2025 được kỳ vọng không chỉ phục hồi mà còn phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỉ lệ người tiêu dùng sẵn sàng tăng mức chi tiêu cho du lịch đã tăng đáng kể, đạt 48,1%, so với chỉ 27,6% trong năm 2023. 

Đây là một sự cải thiện ấn tượng, phản ánh xu hướng phục hồi mạnh mẽ của ngành này và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Môi trường kinh tế năm 2024 cũng hỗ trợ tích cực cho ngành du lịch. 

Tăng trưởng GDP, tỉ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát ổn định đã cải thiện sức mua của tầng lớp trung lưu, góp phần thúc đẩy chi tiêu vào các dịch vụ giải trí và nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn, ổn định và thân thiện, đáp ứng xu hướng du lịch an toàn của khách quốc tế.

Theo khảo sát, 71,4% doanh nghiệp trong ngành tin tưởng vào triển vọng khả quan năm 2025, với mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% GDP.

Đồng thời, ngành dự kiến tạo ra 6,3 triệu việc làm, trong đó 1,2 triệu việc làm trực tiếp, hướng tới phát triển bền vững và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Người tiêu dùng ưu tiên kênh trực tuyến

Năm 2024 chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong hành vi tiêu dùng khi các kênh trực tuyến trở thành lựa chọn hàng đầu. Đặt dịch vụ qua các ứng dụng du lịch như Traveloka và Booking.com tăng từ 31,4% năm 2023 lên 71,4% năm 2024.

Tương tự, đặt qua website công ty du lịch tăng từ 26,5% lên 57,1%. Trong khi đó, các kênh truyền thống như đại lý hoặc đặt trực tiếp tại điểm du lịch lại sụt giảm đáng kể.

Sự chuyển dịch này phản ánh hiệu quả đầu tư vào công nghệ và chiến lược cải thiện trải nghiệm trực tuyến của doanh nghiệp. Đồng thời, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và khả năng so sánh giá trên nền tảng số đã thay đổi cách khách hàng tiếp cận dịch vụ du lịch.

Trước xu hướng dịch chuyển số hóa, 85,7% doanh nghiệp ngành du lịch - Khách sạn, Resort ưu tiên chiến lược tăng cường hiện diện trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến để cải thiện nhận diện thương hiệu.

"Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước bài toán khó: làm sao cân bằng giữa nhu cầu đầu tư dài hạn và áp lực chi phí hiện tại. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc chuyển đổi số và phát triển bền vững không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn", các chuyên gia nêu nhận định trong báo cáo.

Hiến kế cho Đà Lạt phát triển xanh: Du lịch bền vững và hút khách mùa thấp điểm

Đà Lạt có thể là hình mẫu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hồ Xuân Hương, Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH

Bài viết của Ray Kuschert, người Úc, nhằm hiến kế để phát triển du lịch và bền vững ở Đà Lạt, thành phố mà ông đã yêu ngay từ lần đầu đến thăm. Tuổi Trẻ Online biên tập và lược dịch.

Đà Lạt nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, những rừng thông xanh rì và những vườn hoa rực rỡ. Là một người Úc đã coi Việt Nam là nhà 11 năm nay, tôi đã chứng kiến sự phát triển du lịch nhanh chóng của thành phố đẹp như tranh vẽ này.

Cùng với sự tăng trưởng này là nhu cầu cấp thiết về các hoạt động du lịch bền vững để vừa bảo tồn được vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt vừa thúc đẩy được kinh tế phát triển.

Suốt một thập kỷ qua, ngành du lịch Đà Lạt đã phát triển nhanh chóng, thu hút cả khách du lịch nội địa và cả quốc tế.

Đà Lạt có thể là hình mẫu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 2.

Khách du lịch mua sắm tại Đà Lạt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên mô hình du lịch hiện tại thường ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn là tính bền vững lâu dài, dẫn đến các vấn đề về quản lý chất thải và sự suy thoái môi trường tự nhiên.

Cùng với sự nổi tiếng của mình, thành phố nghỉ dưỡng xinh đẹp này phải oằn mình đối mặt với nhiều thách thức như suy thoái môi trường, quá tải du lịch và hệ sinh thái có thể bị hủy hoại trong tương lai, nếu chúng ta không làm gì để thay đổi.

Đà Lạt có thể là hình mẫu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 3.

Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH

Du lịch sinh thái

Một trong những hướng đi hứa hẹn nhất cho du lịch bền vững ở Đà Lạt là du lịch sinh thái. Cách tiếp cận này nhấn mạnh việc bảo tồn môi trường sống tự nhiên và thúc đẩy nhận thức của du khách về môi trường.

Việc phát triển hơn nữa các khu du lịch sinh thái tại các khu vực như Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có thể mang đến cho du khách trải nghiệm đắm mình vào thiên nhiên, đồng thời vẫn đảm bảo bảo vệ đa dạng sinh học.

Các hoạt động như đi bộ ngắm cảnh thiên nhiên hay ngắm chim chóc có hướng dẫn viên, các chuyến tham quan giáo dục để tìm hiểu về hệ thực vật và động vật địa phương có thể nâng cao trải nghiệm của du khách và nuôi dưỡng lòng yêu thương, trân quý của họ đối với môi trường.

Lưu trú bền vững

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ lưu trú tại Đà Lạt đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tính bền vững tại thành phố này. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của tôi trong tất cả các vấn đề của Đà Lạt.

Từ đây mà các vấn đề như ô nhiễm rác thải, lãng phí điện từ việc sử dụng quá mức máy điều hòa, cũng như sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong bảo trì và vận chuyển… cũng phát sinh và cần được giải quyết thỏa đáng.

Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nên áp dụng các biện pháp xây dựng xanh, chẳng hạn như sử dụng hệ thống tiết kiệm năng lượng, thu thập nước mưa và năng lượng mặt trời. 

Hiện tại, nhiều nơi chưa đủ nỗ lực để bảo vệ môi trường của chính mình.

Ngoài ra, nơi lưu trú có thể giảm dấu chân sinh thái (nhu cầu của con người đối với thiên nhiên) bằng cách thực hiện các chương trình giảm tải, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và hữu cơ, đồng thời khuyến khích du khách tham gia các hoạt động thân thiện với môi trường.

Sự phát triển của các khu nghỉ dưỡng sinh thái và bền vững có thể thu hút tệp du khách quan tâm đến môi trường và thiết lập chuẩn mực cho ngành. Điều này chưa được thấy nhiều trong một thập kỷ qua, khi mà việc phát triển nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp được ưu tiên hơn là bảo vệ môi trường.

Đà Lạt có thể là hình mẫu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 4.

Chợ Đà lạt - Ảnh: M.V

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp

Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch cũng cần thiết cho sự phát triển bền vững. Các sáng kiến du lịch cộng đồng có thể mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương trong khi vẫn bảo tồn được di sản văn hóa. Ví dụ như các dịch vụ lưu trú tại nhà dân, hội thảo văn hóa và các tour du lịch nông nghiệp, nơi du khách có thể tìm hiểu về các hoạt động canh tác truyền thống cũng như nghề thủ công địa phương.

Đất đai màu mỡ và khí hậu thuận lợi của Đà Lạt khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho du lịch nông nghiệp. Hình thức du lịch này phát triển sẽ giúp ích được cho cả người nông dân, môi trường và ngành du lịch cùng tồn tại, và đảm bảo tương lai của khu vực.

Du khách có thể tham gia các hoạt động “từ nông trại đến bàn ăn”, chẳng hạn như thu hoạch rau củ, tìm hiểu về các kỹ thuật canh tác hữu cơ và thưởng thức các bữa ăn nấu từ nguyên liệu tươi ngon có nguồn gốc tại địa phương.

Giao thông bền vững

Giao thông cũng là một khía cạnh quan trọng của một ngành du lịch bền vững. Theo quan sát của tôi, Đà Lạt đã thụt lùi trong 15 năm qua trên phương diện giao thông. Đường sá địa phương vẫn nhỏ, lưu lượng vẫn chậm, và có ít lựa chọn về giao thông để đến và đi từ Đà Lạt.

Cần có thêm nhiều lựa chọn thân thiện với môi trường và kinh tế hơn. Tàu hỏa, đường cao tốc thẳng, phương tiện giao thông công cộng giá rẻ, sử dụng nhiên liệu thay thế… là một số chủ đề cần được thảo luận và lên kế hoạch trong tương lai.

Quản lý chất thải hiệu quả

Tiếp đến, quản lý chất thải hiệu quả là rất quan trọng để duy trì môi trường khỏe mạnh cho các địa điểm du lịch.

Đà Lạt cần triển khai các chương trình giảm thải và tái chế chất thải toàn diện để giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường.

Thành phố này cần có khả năng giảm lượng rác thải của mình hơn 90% trong thập kỷ tới, tính toán việc ủ rác và tái sử dụng trong các trang trại, giảm bao bì thực phẩm tươi sống, và loại bỏ các loại bao bì không cần thiết khỏi cộng đồng.

Du lịch Đà Lạt mùa thấp điểm

Để giảm bớt áp lực lên cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của Đà Lạt, một biện pháp mà chúng ta có thể nghĩ đến là thúc đẩy du lịch ngoài mùa cao điểm.

Đà Lạt có thể là hình mẫu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 5.

Chợ đêm Đà Lạt đông đúc du khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu từng đến Đà Lạt vào dịp năm mới, bạn sẽ hiểu thành phố này đông cỡ nào. Ai cũng muốn đến Đà Lạt vào mùa đông khi tiết trời trở lạnh và thành phố trở nên đẹp xao xuyến lòng người.

Điều này rất tốt cho các doanh nghiệp địa phương, nhưng cũng gây áp lực lên môi trường. Thúc đẩy quảng bá cho kỳ nghỉ mùa hè khi số lượng khách ở mức thấp sẽ giúp cân bằng và thân thiện hơn với hệ sinh thái.

Tôi yêu Đà Lạt và tôi nhớ mãi những ngày Đà Lạt không cần đèn giao thông. Đó là một nơi nghỉ dưỡng nguyên sơ, một địa điểm lãng mạn vượt ngoài mong đợi. Tôi vẫn còn cảm giác đó mỗi khi đến Đà Lạt nhưng tôi thấy lo lắng về tương lai của thành phố này.

Đà Lạt có tiềm năng trở thành hình mẫu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam. Bằng cách đón nhận sự thay đổi và đặt môi trường lên trên lợi nhuận, chúng ta sẽ thấy nơi này phát triển mạnh mẽ trong khi vẫn giữ được môi trường trong lành, lãng mạn và hấp dẫn mà ai cũng yêu thích ngay từ lần đầu ghé thăm.

Diễn đàn "Phát triển du lịch Đà Lạt từ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên"

Bạn có ý tưởng, đề tài khoa học giúp du lịch Đà Lạt tiếp tục phát triển theo hướng du lịch xanh và bền vững, phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đến đa dạng sinh học và văn hóa địa phương? Mời bạn gửi bài viết, ý kiến, chia sẻ về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn từ nay đến ngày 14-12-2024. Các ý kiến đóng góp của độc giả sẽ được gửi tới lãnh đạo thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Vui lòng cung cấp thông tin liên lạc, thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Saigontourist Group xúc tiến du lịch Việt - Nhật

Saigontourist Group xúc tiến du lịch Việt–Nhật nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh 1.

Ông Trương Đức Hùng (bìa trái), tổng giám đốc Saigontourist Group, ông Lê Hồng Hà (bìa phải), tổng giám đốc Vietnam Airlines và đối tác Nhật Bản trao bản hợp tác với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn lãnh đạo hai nước Việt Nam, Nhật Bản - Ảnh: SGT

Sự kiện vinh dự đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp du lịch hàng đầu của hai nước và cơ quan truyền thông quốc tế.

Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai doanh nghiệp hai nước, đồng thời khẳng định cam kết thúc đẩy du lịch Việt Nam tại thị trường Nhật Bản của các đơn vị. 

Đây là lần thứ hai Saigontourist Group và Vietnam Airlines phối hợp tổ chức chương trình xúc tiến du lịch tại Nhật Bản giai đoạn hậu dịch COVID-19, tiếp nối thành công từ chương trình quảng bá điểm đến Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023. Sự kiện được lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đánh giá rất cao.

Ông Trương Đức Hùng, tổng giám đốc Saigontourist Group, khẳng định Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của đơn vị. Qua sự kiện lần này, hãng mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác Nhật Bản, đưa du lịch TP.HCM và Việt Nam đến gần hơn với du khách Nhật.

“Chúng tôi rất vinh dự khi tiếp tục đồng hành cùng Vietnam Airlines tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Nhật Bản luôn là một trong những thị trường trọng điểm của Saigontourist Group. Với sự kiện này, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, đưa du lịch TP.HCM, Việt Nam đến gần hơn với du khách Nhật Bản", ông Trương Đức Hùng nhận định về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình.

Saigontourist Group đẩy mạnh phát triển hai chiều thị trường du lịch Việt Nam – Nhật Bản - Ảnh 2.

Lễ ký kết giữa Saigontourist Travel Service, Vietnam Airlines và Japan Dream Tour Nhật Bản - Ảnh: SGT

Ông Lê Hồng Hà, tổng giám đốc Vietnam Airlines, phát biểu: “Hiện nay Vietnam Airlines đang khai thác mười đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với các thành phố lớn của Nhật là Tokyo, Osaka, Fukuoka, Nagoya và hàng trăm chuyến bay thuê bao kết nối các địa phương Việt Nam và Nhật Bản.

Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng tần suất, nghiên cứu mở thêm đường bay mới, khai thác trở lại đường bay Đà Nẵng - Osaka vào tháng 7-2025, và tăng tần suất các đường bay Hà Nội, TP.HCM - Fukuoka và khai thác máy bay thân rộng đường bay Hà Nội - Nagoya”.

Hợp tác chiến lược mới

Tâm điểm của Chương trình giới thiệu điểm đến Việt Nam tại Nhật Bản và Lễ kỷ niệm 30 năm đường bay Việt Nam - Nhật Bản là Lễ ký kết hợp tác giữa Saigontourist Group, Vietnam Airlines và Công ty MS Tourist của Nhật Bản cùng hợp tác để mở rộng thị trường và thúc đẩy du lịch ở các nước.

Saigontourist Group cùng Vietnam Airlines và MS Tourist sẽ cùng nhau phát triển và quảng bá các sản phẩm du lịch phù hợp với du khách đến Việt Nam và Nhật Bản, thúc đẩy phát triển du lịch hai chiều.

Saigontourist Group cũng đã ủy quyền Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (công ty con thuộc Saigontourist Group) cùng Vietnam Airlines ký kết hợp tác quan trọng với Công ty Japan Dream Tour - một doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch inbound Nhật Bản (đón khách nước ngoài tham quan, du lịch tại Nhật Bản).

Saigontourist Group đẩy mạnh phát triển hai chiều thị trường du lịch Việt Nam – Nhật Bản - Ảnh 3.

Lễ ký kết giữa Saigontourist Group, Vietnam Airlines và MS Tourist Nhật Bản - Ảnh: SGT

Các bên sẽ làm việc cùng nhau để cải thiện dịch vụ và nâng cao nhận thức về thương hiệu thông qua các hoạt động tiếp thị và quảng bá chung trên các kênh tiếp thị của mỗi bên.

Ông Trương Đức Hùng nhận định, việc ký kết các biên bản hợp tác mới đã mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Saigontourist Group, Vietnam Airlines và các đối tác Nhật Bản. Đây là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt, tin cậy và cùng có lợi giữa các bên.

Du khách Nhật Bản nổi tiếng với sự tinh tế, yêu thích khám phá và trải nghiệm văn hóa, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng sự mến khách của người dân địa phương tại điểm đến. Saigontourist Group hiểu rõ nhu cầu của khách hàng Nhật Bản và luôn không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất.

Trên cơ sở đánh giá Nhật Bản là thị trường khách quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Saigontourist Group nói riêng, thời gian qua, Saigontourist Group đã tổ chức và đồng tổ chức nhiều sự kiện, chương trình hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút khách Nhật đến Việt Nam.

Sự kiện một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện tốt đẹp giữa hai bên, thể hiện tính tiên phong, tiếp nối các sự kiện quốc tế đã được hai bên triển khai thực hiện trước đây, mục đích nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần phát triển du lịch TP.HCM và Việt Nam.

Saigontourist Group đẩy mạnh phát triển hai chiều thị trường du lịch Việt Nam – Nhật Bản - Ảnh 4.

Gian hàng triển lãm của Saigontourist Group, Vietnam Airlines thu hút khách giao dịch - Ảnh: SGT

Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động kết nối, giao thương, xúc tiến thương mại du lịch, với điểm nhấn là tiệc kết nối doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Nhật Bản; nghi thức chào mừng 30 năm đường bay giữa Việt Nam - Nhật Bản; vinh danh các đại lý, đối tác Việt Nam - Nhật Bản.

Tại đây, Saigontourist Group cũng tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu du lịch, quảng bá hình ảnh điểm đến TP.HCM, Việt Nam, các sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp của Saigontourist Group đến với khách tham quan và các đối tác Nhật Bản.

Trong năm 2023, Saigontourist Group đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức sự kiện Vietnam Phở Festival 2023 tại Nhật Bản vào tháng 10-2023, đã thu hút hơn 85.000 lượt khách tham dự; phối hợp với Vietnam Airlines, Hãng hàng không Nhật Bản (ANA) đồng tổ chức sự kiện quảng bá điểm đến Việt Nam mang tên "Vietnam Tourism Promotion Conference" tại hai thành phố Tokyo và Osaka vào tháng 7-2023; tham gia tổ chức các chương trình triển lãm giới thiệu, quảng bá du lịch tại Lễ hội Việt Nam tại tỉnh Aichi vào tháng 11-2023.

Mới đây, Saigontourist Group cũng đã tham gia chương trình hợp tác phát triển du lịch song phương Việt Nam - Malaysia vào tháng 11-2024 nhân dịp chuyến thăm chính thức Malaysia của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm dẫn đầu.

Tín hiệu mới với siêu dự án gần 44.000 tỉ đồng ở Đà Nẵng

Tín hiệu mới với siêu dự án gần 44.000 tỉ đồng ở Đà Nẵng - Ảnh 1.

Dự án với vị trí rất đẹp ở ven biển dưới chân đèo Hải Vân - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân.

Dự án có diện tích khoảng 512ha, trong đó có 506ha đất, 5,3ha mặt nước biển; dân số khoảng 19.000 người; gồm: biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở xã hội (đất xây dựng nhà ở xã hội chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất ở của dự án), các công trình thương mại - dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 43.922 tỉ đồng.

Về tiến độ dự án: 5 năm kể từ ngày được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó, giai đoạn 1 - hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư từ năm thứ nhất đến năm thứ 2; giai đoạn 2: thực hiện đầu tư, nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm thứ 2 đến hết năm thứ 5.

Mục tiêu của dự án là hình thành một khu phức hợp bao gồm các công trình thương mại dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên phục vụ nhu cầu du lịch, sinh sống của người dân địa phương và du khách, không gian kiến trúc văn minh, hiện đại.

UBND TP Đà Nẵng đã giao các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất… để thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao tại quyết định trên.

Thursday, December 5, 2024

Bùng nổ đêm khai mạc Festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch

Bùng nổ đêm khai mạc festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 1.

Toàn cảnh sân khấu khai mạc Festival hoa Đà Lạt - Ảnh: ĐẠT TEA

Kỳ vọng Đà Lạt sẽ đón du khách thứ 10 triệu

Tối 5-12 tại quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt) đã diễn ra chương trình khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024. Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng dự và phát biểu ý kiến.

Bùng nổ đêm khai mạc Festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 2.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng Đà Lạt sẽ đón du khách thứ 10 triệu trong năm 2025 - Ảnh: ĐẠT TEA

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho biết với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu”, Festival hoa Đà Lạt lần này có nhiều khác biệt so với các kỳ trước, được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh và kéo dài đến ngày 3-12.

Với các sự kiện văn hóa, nghệ thuật mới lạ, đặc sắc, đa dạng mang tầm quốc tế, nhằm tôn vinh ngành hoa Đà Lạt, các giá trị văn hóa, nhân văn của người dân Lâm Đồng. 

Hoa Đà Lạt không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là biểu trưng sức mạnh của 47 dân tộc anh em trên vùng đất nam Tây Nguyên.

Bùng nổ đêm khai mạc Festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho biết Festival hoa Đà Lạt là sự kiện văn hóa, nghệ thuật mang tầm quốc tế, nhằm tôn vinh ngành hoa Đà Lạt - Ảnh: M.V

Phát biểu tại lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chúc mừng những kết quả quan trọng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đạt được trong thời gian qua. 

Ông ghi nhận, trong 20 năm qua, tỉnh Lâm Đồng tổ chức thành công 9 kỳ Festival hoa Đà Lạt, đưa lễ hội này trở thành sự kiện văn hóa - du lịch mang tầm quốc gia và càng ngày lan tỏa ra thế giới. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng Đà Lạt sẽ đón du khách thứ 10 triệu vào năm 2025, khẳng định thương hiệu du lịch tầm quốc tế.

Bắt đầu chuỗi sự kiện kích cầu du lịch

Bùng nổ đêm khai mạc Festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 5.

Hơn 15.000 người dân, du khách và đại biểu theo dõi lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt dưới cái lạnh 17 độ C - Ảnh: M.V

Hơn 15.000 người dân, du khách và đại biểu đã chịu cái lạnh 17 độ C để theo dõi trọn vẹn lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt. 

Với chủ đề "Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu", chương trình cố gắng tạo dấu ấn để tiếp tục khẳng định Đà Lạt là thành phố festival hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc nhóm “5 thành phố festival ấn tượng của châu Á".

Bùng nổ đêm khai mạc festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 5.

Một hoạt cảnh về văn hóa Tây Nguyên trong đêm khai mạc - Ảnh: M.V

Lễ khai mạc quy tụ nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trong và ngoài nước cùng các diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp... như Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương, Hồ Trung Dũng, nhóm The Wings, Nguyễn Ngọc Anh, rapper Ram C, tốp ca nam nữ, nghệ sĩ violin Hàn Quốc JMIKO.

Bùng nổ đêm khai mạc festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 6.

Ca sĩ Văn Mai Hương góp mặt tại đêm khai mạc Festival hoa Đà Lạt - Ảnh: M.V

Chương trình sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật như ca, múa, nhạc… cùng với dàn nhạc hợp xướng và các công nghệ sân khấu hiện đại để khắc họa vẻ đẹp muôn màu của các loại hoa, người trồng hoa và ước mong của người Đà Lạt - Lâm Đồng.

Bùng nổ đêm khai mạc festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 7.

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương với Vũ điệu hoang dã - Ảnh: M.V

Sau đêm khai mạc, TP Đà Lạt và một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng bước vào chuỗi các sự kiện kích cầu du lịch kéo dài đến đầu năm 2025. Tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng trong một tháng diễn ra Festival hoa, Đà Lạt sẽ đón thêm khoảng 2 triệu lượt khách.

Bùng nổ đêm khai mạc festival hoa, Đà Lạt vào mùa hội du lịch - Ảnh 9.

Drone vẽ lên nền trời slogan của Đà Lạt - Ảnh: M.V

Từ Festival hoa Đà Lạt hướng đến hình mẫu tăng trưởng xanh

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Festival hoa Đà Lạt tiếp tục khẳng định Đà Lạt là thành phố festival hoa của Việt Nam, là lễ hội đặc trưng của thành phố cao nguyên thơ mộng, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc nhóm “5 thành phố festival ấn tượng của châu Á”.

Đây là ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng và là cơ hội gặp gỡ của du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa - du lịch độc đáo, riêng có của Đà Lạt, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp đặc thù gắn với du lịch và bảo tồn di sản, thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Phó thủ tướng mong muốn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ kết hợp hài hòa với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để trở thành hình mẫu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên cùng đất nước, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Hiến kế để Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ pháp lý

Việc phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt - một địa phương có tiềm năng lớn về du lịch - không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương mà còn là cách giải quyết các vấn đề xung quanh của thành phố như môi trường, văn hóa, sinh kế. 

Vừa qua, Đà Lạt được công nhận trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO về âm nhạc càng cho thấy tiềm năng của thành phố trong việc thúc đẩy phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.

Nhiều chính sách cho sự phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt

Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ từ pháp lý - Ảnh 1.

Hiện đã có nhiều chính sách ủng hộ Đà Lạt phát triển xanh - Ảnh chụp tại khu du lịch dã ngoại Suối Tía: QUANG ĐỊNH

Du lịch xanh không phải là một khái niệm mới và đã được nhắc đến cả trong nước và quốc tế. Pháp luật Việt Nam hiện không có quy định cụ thể về du lịch xanh, thay vào đó là định nghĩa về "phát triển du lịch bền vững" trong Luật Du lịch 2017.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: "Du lịch xanh là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Việc phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt có tiềm năng rất lớn với sự ủng hộ xuyên suốt về mặt chính sách từ trung ương đến địa phương.

Từ phía trung ương, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững:

Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-1-2020 phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu quan điểm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-2-2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Về phía địa phương, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25-7-2022 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có quan điểm tương tự về việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn tự nhiên, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, nâng cao sinh kế người dân.

Các chính sách trên cho thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đề ra các chính sách để phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện phát triển cho ngành du lịch. Vì vậy, phát triển du lịch xanh là phù hợp với chính sách và quan điểm của Nhà nước nói chung và địa phương nói riêng.

Các vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt

Hiến kế để Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ pháp lý - Ảnh 3.

Khách du lịch tăng trưởng vừa là thời cơ, vừa đặt ra thách thức cho Đà Lạt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các vấn đề pháp lý điều chỉnh du lịch xanh dựa trên chính các vấn đề xoay quanh. Du lịch xanh, theo nghiên cứu Doods & Joppe (2001), được hiểu theo bốn nội dung, bao gồm:

Trách nhiệm đối với môi trường

Bảo vệ, bảo tồn và nâng cao vai trò của thiên nhiên và môi trường vật lý để đảm bảo tính bền vững lâu dài của hệ sinh thái.

Đối với ngành du lịch, sức ép lớn nhất đến môi trường là phát sinh chất thải rắn và nước thải sinh hoạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021), số lượng khách du lịch đến tỉ lệ thuận với lượng CO2 thải ra môi trường (ví dụ phương tiện đi lại), việc đầu tư khai thác các tài nguyên thiên nhiên bừa bãi phục vụ hoạt động du lịch.

Nội dung này đặt ra câu hỏi: Liệu các bên liên quan trong hoạt động du lịch đã có trách nhiệm với môi trường hay chưa? Pháp luật điều chỉnh vấn đề này như thế nào? 

Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Điều 8, 23 Luật Du lịch 2017 quy định việc bảo vệ môi trường trong du lịch cũng như các điều kiện công nhận điểm du lịch trong đó có yếu tố môi trường.

Tuy nhiên, vẫn có một số bất cập như việc (i) các quy định này còn khá chung chung, (ii) chưa có các quy định thúc đẩy trách nhiệm với môi trường (ngoài các nghĩa vụ đối với môi trường theo luật định).

Để minh họa, hiện chưa có quy định bắt buộc các tổ chức trong hoạt động du lịch ban hành và niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở lưu trú.

Khả năng phát triển lâu dài của kinh tế địa phương

Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ từ pháp lý - Ảnh 3.

Chợ đêm Đà Lạt là điểm đến thu hút khách du lịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lượng khách du lịch đổ về tạo nguồn thu cho nền kinh tế của thành phố, góp phần tăng sinh kế cho người dân bản địa. Doanh thu du lịch lữ hành của tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là 55,8 tỉ đồng (Niên giám thống kê Việt Nam 2023). 

Đây cũng là cơ sở thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực du lịch và các dịch vụ kèm theo.

Với các cam kết quốc tế Việt Nam ký kết về thúc đẩy đầu tư và bảo vệ môi trường như Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (ví dụ về Net Zero), các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là cơ sở thúc đẩy đa dạng hóa các mô hình kinh tế mới thích ứng với biến đổi khí hậu và tôn trọng tự nhiên, ví dụ dịch vụ lưu trú gắn với thiên nhiên.

Việc thu hút khách du lịch cũng đặt ra vấn đề về việc gia tăng phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, về mặt chính sách và quy định chưa có quy định bắt buộc áp dụng mô hình này, trên thực tế ESG chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam.

Tính đa dạng sinh học

Trân trọng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; và thứ tư, làm giàu thêm sự trải nghiệm cho khách du lịch thông qua việc tham gia tích cực tại điểm du lịch thiên nhiên, giao lưu với cư dân bản địa và tìm hiểu văn hóa địa phương.

Trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch, nhiều cơ sở còn chưa đặt việc tôn trọng văn hóa bản địa và thiên nhiên vào trong mô hình kinh doanh.

Tồn tại thực trạng doanh nghiệp (i) khai thác rừng bừa bãi cũng như lấn chiếm khu vực sống của người đồng bào địa phương, (ii) sử dụng đất không đúng mục đích, hay (iii) sử dụng lao động cưỡng bức. Từ góc độ pháp lý, những thực trạng này là hành vi vi phạm quy định pháp luật đất đai, lao động cũng như luật bảo vệ môi trường.

Đề xuất để thúc đẩy phát triển du lịch xanh từ góc độ pháp lý

Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ từ pháp lý - Ảnh 5.

Khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo là một cách thúc đẩy du lịch xanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thứ nhất, khuyến khích người dân cũng như tổ chức sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010, các doanh nghiệp thực hiện sẽ có những ưu đãi về thuế, đất đai, vay vốn (Điều 41). 

Tuân thủ các quy định pháp luật như về môi trường, đất đai, lao động một cách chủ động. 

Trong chiến lược kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động lồng ghép chiếc "kiềng ba chân" môi trường - xã hội - quản trị (ESG), phát triển không quên tự nhiên cùng các giá trị văn hóa, xã hội.

Thứ hai, về phía cơ quan nhà nước cấp địa phương có thể đặt ra các bộ tiêu chí nhận diện du lịch xanh, có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển du lịch xanh, các doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả với các lợi ích cụ thể, rõ ràng. 

Bên cạnh đó, có quy hoạch địa phương thống nhất, hiệu quả, góp phần nâng cao lợi thế thương hiệu và sức cạnh tranh không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho thành phố, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch xanh tại Đà Lạt có đầy đủ lợi thế và tiềm năng. Chính sách và quy định pháp luật hiện tại là cơ sở để phát triển du lịch xanh, cũng đặt ra những thách thức các bên liên quan cần lưu ý và tuân thủ để đảm bảo phát triển theo hướng bền vững.

Diễn đàn "Phát triển du lịch Đà Lạt từ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên"

Bạn có ý tưởng, đề tài khoa học giúp du lịch Đà Lạt tiếp tục phát triển theo hướng du lịch xanh và bền vững, phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đến đa dạng sinh học và văn hóa địa phương? Mời bạn gửi bài viết, ý kiến, chia sẻ về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn từ nay đến ngày 14-12-2024. Các ý kiến đóng góp của độc giả sẽ được gửi tới lãnh đạo thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Vui lòng cung cấp thông tin liên lạc, thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Wednesday, December 4, 2024

Có nên cho tiền người nước ngoài du lịch bụi?

Có nên cho tiền người nước ngoài du lịch bụi? - Ảnh 1.

Một người đàn ông Âu Mỹ to lớn đứng ngay trụ đèn giao thông ven đường, tay cầm tấm bảng viết: "Help to Survive" (giúp sống sót) để xin tiền - Ảnh: Internet

Mới đây, cộng đồng mạng bình luận sôi nổi bức ảnh chụp một "ông Tây" tay cầm tấm bảng làm bằng bìa giấy với dòng chữ: "Tôi đi du lịch mà không có tiền. Xin hãy ủng hộ chuyến đi của tôi".

Năm 2019, trên một diễn đàn dành cho người trẻ yêu thích du lịch đã đăng tải hình ảnh hai người đàn ông ngoại quốc ngồi trên vỉa hè với một tờ giấy được ghi bằng tiếng Việt: "Xin chào, tôi đi bằng xe máy 25.000 km, tôi bắt đầu từ Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Malaysia và trở về Việt Nam. Bây giờ tôi muốn đi đến Trung Quốc. Bạn có thể hỗ trợ tôi. Cảm ơn bạn".

Tại Phú Quốc (Kiên Giang) cũng từng xảy ra việc một nữ du khách nước ngoài ngồi thiền trên vỉa hè với tấm biển ghi dòng chữ: "Thiền để được may mắn. Cần tiền". Lý do xin tiền khó vậy mà cũng nghĩ được!

Nhiều người cho rằng những người xin tiền kiểu này làm xấu hình ảnh của người đi du lịch và cả cộng đồng du lịch bụi chân chính. Đây là một kiểu "xách ba lô" đi du lịch bằng cách kêu gọi lòng tốt của người dân bản xứ (nếu không có thể dẫn đến làm việc bất hợp pháp, lao động chui).

Cách đây ba tháng, trên một trang mạng quốc tế thảo luận các vấn đề liên quan đến Việt Nam, một người đặt câu hỏi: "Thỉnh thoảng, khi lái xe quanh Sài Gòn, tôi thấy những người nước ngoài cầm bảng xin tiền. Tôi muốn giúp họ nhưng lại không biết có bị lừa đảo hay không? Bạn nghĩ những người này có thật lòng và xứng đáng được giúp đỡ?".

Trong bức ảnh là một người đàn ông Âu Mỹ to lớn đứng ngay trụ đèn giao thông ven đường, tay cầm tấm bảng viết: "Help to Survive" (giúp sống sót).

Nhiều người nước ngoài đã để lại bình luận đa số không đồng ý với việc trên. Nhiều người nước ngoài thấy xấu hổ. Một vài người thể hiện quan điểm: "Là một người nước ngoài sống tại TP.HCM, việc nhìn thấy những người du lịch bụi ăn xin là điều khó chịu hơn bất cứ điều gì khác. Nhiều khả năng họ có đủ tiền để định cư ở đây nhưng vẫn muốn lợi dụng lòng tốt của những người tiếp đón họ".

Một người Mỹ viết: "Vợ chồng tôi đều làm những công việc có thu nhập trung bình ở Mỹ, chúng tôi không có nhiều tiền nhưng đã có trải nghiệm khá tuyệt vời mỗi lần chúng tôi đến Việt Nam. Trừ khi người kia làm mất tất cả các giấy tờ hoặc bị lừa hết tiền thì không có lý do gì để xin tiền. Ngay cả khi mất giấy tờ, việc liên lạc với bạn bè hoặc gia đình ở quê nhà để xin một ít tiền sẽ dễ hơn đi xin tiền".

Đây không phải lần đầu chủ đề người du lịch ăn xin tại Việt Nam được mang ra bàn tán sôi nổi trên diễn đàn này. Câu chuyện tương tự cũng thấy tại các nước như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...

Người Việt cần nhiệt tình đúng chỗ

Tôi và nhiều người khác hẳn đều thấy vui khi xem những video clip, thông tin về sự hiếu khách, tử tế của người Việt khi giúp đỡ người nước ngoài gặp tai nạn khi đi du lịch tại Việt Nam. Nhưng góp tiền để họ có đủ kinh phí cho chuyến du lịch lại là chuyện khác.

Bình luận của một người nước ngoài trên diễn đàn về những trường hợp người nước ngoài xin tiền tôi thấy thật chí lý: "Nếu thật sự gặp rắc rối, khách du lịch có thể liên lạc với bạn bè, gia đình, người sử dụng lao động để gửi tiền qua Western Union... Hay có thể liên lạc với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán...". Bởi đây là những người có thể giúp họ dễ dàng về tài chính và với công nghệ hiện nay thì quá dễ để làm. Người đi du lịch đương nhiên thừa biết điều này nhưng có những người lại không làm.

Thiết nghĩ lòng tốt cần đặt đúng chỗ. Chính quyền các địa phương, nhất là nơi thu hút đông khách du lịch quốc tế, cũng cần mạnh tay khi phát hiện những du khách chỉ "xách ba lô" và... xin tiền.

Huế thúc đẩy du lịch văn hoá với mạng lưới trạm tương tác thông minh

Huế thúc đẩy du lịch văn hoá với mạng lưới trạm tương tác thông minh - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm trạm tương tác thông minh tại Đại nội Huế - Ảnh: NGỌC ANH

Huế đang tiên phong ứng dụng các công nghệ mới nhất vào bảo tồn và khai thác du lịch văn hoá. 

Nổi bật trong đó là xây dựng mạng lưới các trạm tương tác thông minh - Tap Quest - kết nối với nhau để tạo thành một bản đồ văn hoá di sản, mang lại trải nghiệm liền mạch cho du khách.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa triển khai công nghệ trạm tương tác thông minh tại khu vực Đại nội trước thềm sự kiện Điện Thái Hoà chính thức ra mắt đón khách tham quan sau 3 năm trùng tu.

Trạm tương tác thông minh là những bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC) mà khách du lịch có thể chạm điện thoại vào để kết nối được câu chuyện văn hóa lịch sử của mỗi địa điểm với nhiều hình thức thể hiện phong phú, bao gồm hình ảnh, video, mô hình 3D, văn bản, và hướng dẫn viên sử dụng trí thông minh nhân tạo.

Tại mỗi vị trí, du khách cũng được cung cấp lộ trình du lịch và được dẫn đường đến điểm tham quan tiếp theo. 

Khách tham quan có thể chụp hình check-in và đăng tải hình ảnh của chính mình lên “bảng vàng” của từng địa điểm.

Đây là một chức năng được du khách yêu thích vì được “khắc tên mình lên bức tường số” của từng địa điểm mà không hề gây mất mỹ quan cho các danh thắng và còn giúp từng địa điểm quảng bá du lịch, tạo tác động tốt cho địa phương.

Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia vào các nhiệm vụ thú vị để nhận được những phần thưởng hấp dẫn…

Mỗi trạm tương tác thông minh đóng vai trò như một “hướng dẫn viên số” có thể cung cấp nhiều tiện ích và hỗ trợ cần thiết cho du khách. Các trạm này liên kết với nhau trong một trải nghiệm liền mạch, tạo thành một bản đồ trải nghiệm văn hoá và di sản toàn diện, có khả năng tùy biến cao và tiềm năng phát triển không giới hạn.

Công nghệ mới này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ du khách cả trong và ngoài nước, với hơn 2.500 lượt tương tác chỉ sau 2 tuần triển khai.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đã triển khai và tích hợp công nghệ trạm tương tác thông minh tại Hải Vân Quan, Đại Nội… và dự kiến mở rộng ra toàn bộ các điểm du lịch văn hoá tại Huế. 

Mô hình này với tiềm năng giúp Huế trở thành hình mẫu trong ứng dụng công nghệ vào du lịch văn hoá để mở rộng ra cả nước.

Trạm tương tác thông minh Tap Quest

Tap Quest do start-up công nghệ make-in-Việt Nam Phygital Labs phát triển. Công nghệ mới này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Phygital Labs phối hợp phát triển riêng cho văn hoá và di sản Huế, với kỳ vọng sẽ triển khai mô hình hoàn thiện trên toàn bộ các địa điểm văn hoá và di sản tại TP Huế trực thuộc trung ương trước thềm sự kiện đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia và Festival Huế vào tháng 3-2025. Tap Quest hiện cũng đang trên đường “xuất khẩu” với các dự án đang chuẩn bị triển khai tại Mỹ.

Xem người Cơ Tu làm lễ nhập làng, từ bỏ hiềm khích, hiếu khách và cầu bình an

Độc đáo nghi lễ nhập làng, thể hiện văn hóa hiếu khách của người Cơ Tu - Ảnh 1.

Già làng Cơ Tu đeo chiếc vòng lên đầu khách khi nhập làng thể hiện sự hiếu khách - Ảnh: LÊ TRUNG

Sáng 4-12, tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Ta Lang, xã BhaLêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam đã diễn ra nghi lễ nhập làng của dân tộc Cơ Tu.

Những vị khách khi bước vào làng được các già làng đội lên đầu những chiếc vòng làm bằng tre nứa.

Khách cúi xuống bước dưới một tấm vải thổ cẩm được những người phụ nữ trong làng cầm, tượng trưng cho cổng làng, mái che để khách khỏi nắng, khỏi mưa, thể hiện tình cảm và sự hiếu khách của dân làng.

Độc đáo nghi lễ nhập làng, thể hiện văn hóa hiếu khách của người Cơ Tu - Ảnh 2.

Những vị khách bước vào làng, hai bên dân làng đánh trống, chiêng chào đón nồng nhiệt - Ảnh: LÊ TRUNG

Dân làng đứng hai bên vỗ tay, những người đàn ông đánh trống, chiêng, mọi người reo hò nồng nhiệt chào đón các vị khách bước chân vào làng.

Bà Bríu Thị Linh - phó chủ tịch UBND xã BhaLêê, cho biết nghi lễ nhập làng là một trong những nghi lễ văn hóa quan trọng trong đời sống của dân tộc Cơ Tu. 

Không chỉ nói lên văn hóa chào hỏi, nghi lễ này còn mang ý nghĩa cầu bình an, mạnh khỏe, nói lên văn hóa hiếu khách đầy tính nhân văn, cao đẹp của người Cơ Tu, thắt chặt thêm sự đoàn kết giữa cộng đồng làng với nhau và cao hơn là du khách, bạn bè gần xa.

Đồng thời đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục con cháu gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu, giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển bền vững.

Cũng qua chương trình, mong muốn bà con của xã khai thác, xây dựng thành sản phẩm phát triển du lịch, phát huy cao tinh thần đoàn kết, thi đua trong lao động, sản xuất, giáo dục con cháu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu gắn với phát triển du lịch.

Độc đáo nghi lễ nhập làng, thể hiện văn hóa hiếu khách của người Cơ Tu - Ảnh 3.

Khách vào làng đeo vòng trên đầu, bước dưới mái che bằng vải thổ cẩm - Ảnh: LÊ TRUNG

Ông Palăng Bưng - cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Tây Giang, người thường xuyên hướng dẫn người dân trình diễn các lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu - cho hay nghi lễ nhập làng là một nghi lễ nằm trong lễ hội mừng Gươl mới, mời khách các làng khác, du khách thập phương vào nhập làng, tham gia vui cùng lễ hội.

Theo ông, nghi thức nhập làng bày tỏ sự hiếu khách, mọi người khi nhập vào làng thì bỏ hết những hiềm khích, mâu thuẫn, không có sự phân biệt đối xử, cùng hòa với dân làng vui mừng lễ hội. 

"Khi bước vào làng, du khách được coi là một thành viên của làng, hòa đồng cùng bà con vui lễ hội" - ông Bưng kể.

Ngoài nghi lễ nhập làng, tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Ta Lang còn có chương trình trình diễn trống, chiêng, múa Tâng tung da dá, thực hiện các nghi lễ mừng Nhà dài mới.

Bên cạnh đó du khách còn xem trình diễn nhạc cụ, đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống, tham quan không gian trưng bày sản phẩm nông sản, văn hóa của địa phương, trải nghiệm các trò chơi dân gian, chèo bè trên sông, thưởng thức ẩm thực truyền thống.

Chương trình do Phòng Văn hóa - thông tin huyện Tây Giang phối hợp với UBND xã BhaLêê tổ chức, nhằm khai thác, xây dựng nghi thức nhập làng thành sản phẩm du lịch theo dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Độc đáo nghi lễ nhập làng, thể hiện văn hóa hiếu khách của người Cơ Tu - Ảnh 4.

Dân làng vỗ tay chào mừng khách vào nhập làng - Ảnh: LÊ TRUNG

Độc đáo nghi lễ nhập làng, thể hiện văn hóa hiếu khách của người Cơ Tu - Ảnh 10.

Hai cụ già chơi trò đẩy gậy - Ảnh: LÊ TRUNG

Độc đáo nghi lễ nhập làng, thể hiện văn hóa hiếu khách của người Cơ Tu - Ảnh 12.

Trò chơi kéo co - Ảnh: LÊ TRUNG

Độc đáo nghi lễ nhập làng, thể hiện văn hóa hiếu khách của người Cơ Tu - Ảnh 14.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Ta Lang nhìn từ trên cao - Ảnh: LÊ TRUNG

 
Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung
Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc | Mua ban rao vat | Dien dan rao vat | Rao vat mien phi | Trang rao vat
Tin Tuc Giai Tri