Lộ trình khai phá “mỏ vàng”
Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên (thành phố Đà Lạt ngày nay), đứng trước không gian rộng lớn, ông nói: “Mang cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành”.
Qua thời gian, nhiều kế hoạch phát triển thành phố nghỉ dưỡng đã được thực hiện, các sản phẩm du lịch cơ bản được phát triển và mang lại sự trải nghiệm cho du khách.
Gần đây, để tăng giá trị, tạo sự hội nhập, níu chân du khách, gia tăng doanh thu, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng bắt tay triển khai thí điểm kinh tế đêm.
Theo đó, tháng 7/2023, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định 1307/QĐ-UBND ban hành kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm Đà Lạt. Ở quyết định này, Lâm Đồng đưa ra mục tiêu phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa người Đà Lạt với sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư.
Tỉnh này đề ra mục tiêu về hình thành, phát triển các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ. Thu hút đầu tư các khu dịch vụ thương mại tập trung, đáp ứng nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí, ẩm thực về đêm.
Địa phương này có quy hoạch, triển khai thí điểm kinh tế đêm Đà Lạt giai đoạn 2022-2030 với mô hình công viên nhạc nước tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt; tuyến phố ẩm thực tại đường Trần Lê – Hoàng Văn Thụ (phường 4); các tuyến phố đêm Khu Hòa Bình, Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (phường 1); tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng, thương mại tại Quảng trường Lâm Viên; phố đi bộ Trần Quốc Toản.
Đối với khu chợ đêm Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lên kế hoạch đầu tư, xây dựng chợ đêm mới với hình thức hiện đại tại khu vực Công viên Ánh Sáng (phường 1, Đà Lạt).
Hình thành tổ hợp các mô hình vui chơi, giải trí về đêm tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm với mô hình casino, dịch vụ giải trí có thưởng, các loại hình giải trí mới lạ.
Xây dựng công viên văn hóa Trần Quốc Toản, xây dựng công viên mở, nhà triển lãm, đường sách tại Công viên Xuân Hương (phường 3).
Những chuyến tàu đêm
18h, Đà Lạt dần chìm vào bóng tối, trời bắt đầu lạnh thêm. Để tiếp tục hành trình trải nghiệm trên cao nguyên thơ mộng, chị Hoàng Nga (trú TPHCM) quyết định mua vé, bước chân lên chuyến tàu “Hành trình đêm Đà Lạt”. Cung đường chỉ 6,7km từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát, song chị được hòa mình vào không gian thơ mộng, được nghe những bản nhạc du dương và ngắm nhìn thành phố trong ánh đèn.
“Chuyến tàu rất thú vị và lần sau nếu đặt chân lên Đà Lạt, tôi sẽ tiếp tục trải nghiệm”, nữ du khách đến từ TPHCM thổ lộ.
Ở phương diện đơn vị khai thác dịch vụ lữ hành, để tăng cảm xúc, chất lượng sản phẩm du lịch, Công ty Vietravel Đà Lạt đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện chuyến tàu “Đà Lạt một đêm say”. Ở dịch vụ này, du khách có thể chọn chuyến tàu ngắm hoàng hôn vào lúc 16h hoặc trải nghiệm tàu đêm vào 20h20 hằng ngày.
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietravel Đà Lạt thổ lộ: “Chúng tôi góp phần nhỏ vào gia tăng trải nghiệm dịch vụ cho du khách. Khi tàu dừng ở sân ga Trại Mát, chúng tôi sẽ đưa du khách về khu nhà hàng, ẩm thực Xóm Lèo (ở phường 12, Đà Lạt) để du khách đón hoàng hôn Đà Lạt, tận hưởng âm nhạc và dùng cà phê hoặc ăn uống. Đó là một sự kết nối giữa các không gian, đưa khách trải nghiệm liên tục để tăng cảm xúc”.
Ông Nguyễn Đình Quân Quy, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Greenhills, chủ một nhà hàng tại Xóm Lèo cho biết, khi tuyến tàu đêm đi vào hoạt động và kết nối với vùng ngoại ô, một lượng lớn du khách đã đến sử dụng các dịch vụ du lịch tại nhà hàng.
“Hiện nay, mỗi đêm chúng tôi đón trên 500 lượt du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Đây là tín hiệu tốt và chúng tôi đang lên kế hoạch để tổ chức chợ nông sản, đặc sản, âm nhạc, ẩm thực phục vụ khách xuyên đêm”, ông Nguyễn Đình Quân Quy chia sẻ.
Để du khách tiêu tiền sau bữa ăn tối
Nhận định về phát triển kinh tế đêm ở thành phố sương mù, ông Lê Tăng Trọng Nghĩa nói, trước đây, Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngủ sớm. Song, hiện nay lượng du khách đông, đa dạng về phân khúc thị trường, đa dạng về thời gian trải nghiệm nên cơ quan chức năng, các nhà đầu tư cần đưa ra những sản phẩm dịch vụ chất lượng, có sự kết nối để đáp ứng tốt hơn.
Ông Nghĩa nói: “Cần phải có kế sách phát triển vùng ven, không nhất thiết tập trung dịch vụ ở khu trung tâm”.
Cũng theo ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, việc phát triển kinh tế đêm, cơ quan chức năng cần cởi mở hơn về chính sách, có quy hoạch từng khu vực để tránh tác động về âm thanh, ánh sáng đến khu dân cư. Cơ quan chức năng cũng cần tổ chức kết nối với doanh nghiệp để phân vai cụ thể, tạo ra sản phẩm có chiều sâu, chất lượng chuyên sâu để đáp ứng du khách.
Nói về phát triển “8 giờ vàng”, ông Duy Đoàn, đại diện Hiệp hội Công nghiệp nền tảng phân phối trực tuyến Hàn Quốc (KODPIA) tại Việt Nam cho hay, hiện nay thành phố Đà Lạt mới chỉ thực hiện tốt dịch vụ ban ngày còn các dịch vụ đêm, đặc biệt từ 22h hôm nay đến 6h hôm sau vẫn bỏ ngỏ. Đây là nhược điểm trong phát triển du lịch, song nó cũng là ưu thế khi tạo ra dư địa rộng lớn cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Do vậy, để khai thác tốt khung giờ vàng này cần nghiên cứu, phát triển dựa trên 4 yếu tố.
Trong đó, chính quyền địa phương cần có giải pháp, đưa ra chính sách tốt và có sự ưu đãi; nhà đầu tư quan tâm phát triển thị trường; các đơn vị vận hành dịch vụ thực hiện tốt về sản phẩm chất lượng và cuối cùng là khách hàng trải nghiệm được lựa chọn.
Ông Duy Đoàn phân tích: “Khi chính quyền có sự hỗ trợ tốt, có chính sách ưu đãi thì các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại để thực hiện dự án. Ngược lại, nếu không hỗ trợ tốt, nhà đầu tư buộc phải chuyển qua hạng mục đầu tư cá nhân với nhau và họ chỉ thực hiện những dự án ít tiền vì sợ rủi ro. Chính sách không tốt sẽ không hút được những dự án triệu USD”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt nhận định, hiện nay các hoạt động kinh tế đêm ở Đà Lạt chưa nhiều và vấn đề tăng tiện ích, tăng trải nghiệm, tăng chi tiêu du khách là xác đáng.
Ông Nguyễn Văn Anh nói, Đà Lạt có sự ôn hòa, thuận lợi hơn nhiều địa phương khác trong phát triển kinh tế đêm và để làm được cần có tư duy mới, lạ, tạo ra các sản phẩm đặc trưng để tạo điểm nhấn, đột phá.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, thành phố Đà Lạt có thể phát triển các sản phẩm du lịch về âm nhạc, văn hóa cồng chiêng ở không gian mới, ẩm thực đặc trưng…
“Để phát triển tốt, có sản phẩm chất lượng cần có ý tưởng của các doanh nghiệp đầu tư và có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ địa phương.
Thành phố cũng cần có quy hoạch và tận dụng những không gian có nét đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh nói và chia sẻ thêm, đặc điểm của Đà Lạt là yên bình, do vậy các hoạt động kinh tế đêm cần cân nhắc, không đánh đổi mọi thứ để thực hiện mà phải đảm bảo yếu tố hài hòa.
Nguồn: Sưu tầm
http://diendandulich.gym2k.com/2024/06/khai-pha-mo-vang-ban-em-e-du-khach-en.html
0 nhận xét:
Post a Comment