Chiều 17-7, tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền thành phố, ông Trần Văn Tân Cương, giám đốc Công ty Halal VN, đã nêu thắc mắc liệu ngành du lịch TP có chính sách khuyến khích nào đón đầu xu hướng khách Hồi giáo đang tăng trưởng cao ở các nước.
Chẳng hạn, Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2027 đón 80 triệu khách quốc tế, trong đó có đến 1/3 là khách Hồi giáo.
Theo doanh nghiệp, thị trường khách du lịch Hồi giáo tuy còn mới mẻ nhưng tiềm năng khai phá được đánh giá rất cao.
Với khoảng 140 triệu lượt khách đạo Hồi đi du lịch khắp thế giới, Việt Nam mới đón được chưa đầy 1 triệu khách do du khách Hồi giáo còn thiếu thông tin về thị trường Việt Nam.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cơ quan này chưa chia dòng khách theo tôn giáo riêng lẻ nhưng luôn khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cần có bếp ăn Halal để phục vụ du khách Hồi giáo.
Trong khi đó, một số địa phương như Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đà Nẵng… đã khởi động một số chương trình xúc tiến để tiếp cận dòng khách Hồi giáo.
Cụ thể, tổ chức đoàn khảo sát lữ hành, mời đối tác Halal tham gia famtrip khảo sát các sản phẩm du lịch, hay chuyên gia Hồi giáo đào tạo đội ngũ người làm du lịch về văn hóa Hồi giáo… Kết quả ban đầu rất tích cực.
Cũng tại hội nghị, trước ý kiến nên miễn thêm visa cho nhiều quốc gia, đại diện Cục Xuất nhập cảnh cho rằng phải phát triển du lịch toàn diện và bền vững, nếu mở quá sẽ bị quá tải hạ tầng.
Theo vị này, từ 15-8-2023, VN áp dụng chính sách e-visa cho tất cả du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, không phân biệt mục đích, với thời gian lên 90 ngày. Làm thủ tục trên môi trường điện tử sau 3 ngày là có kết quả.
"6 tháng đầu năm, ngành du lịch đã đạt con số 9 triệu lượt khách. Và mục tiêu thu hút du lịch 17 - 18 triệu rất khả thi trong năm nay", vị này nói.
0 nhận xét:
Post a Comment