Theo các chuyên gia, để thiết lập lại các dịch vụ du lịch một cách quy củ cần những biện pháp căn cơ hơn.
- TS LÊ THỊ TRÚC ANH (Học viện Cán bộ TP.HCM):
Cần chế tài mạnh
Khi du khách vừa xuống máy bay, bước ra khỏi khu vực lấy hành lý, người họ gặp gỡ, tiếp xúc đầu tiên là đội ngũ taxi, người bán hàng... Chính vì thế ấn tượng mà những người này tạo ra cho du khách rất quan trọng.
Muốn du khách đến và quay trở lại thì du lịch phải dẹp được nạn "chặt chém", chèo kéo của gánh hàng rong, tự phát.
Và chúng ta chỉ làm được điều này khi thay đổi nhận thức của những người bán hàng rong, tài xế taxi. Bởi nếu họ vẫn "chặt chém" thì các giá trị mà ngành du lịch đang nỗ lực (như văn minh, hiếu khách)... chỉ là ý chí chủ quan, không đi được vào cuộc sống.
Nếu một người làm xấu hình ảnh điểm đến thì thiệt hại anh gây ra cho cả ngành du lịch cao gấp nhiều lần, chứ không chỉ giá một cuốc xe bị ăn chặn. Từng tham gia tập huấn cho các tài xế taxi theo chương trình của Sở Du lịch TP.HCM với mục tiêu mỗi tài xế taxi là một đại sứ du lịch, tôi thấy rằng không phải ai cũng hiểu điều trên.
Nếu chỉ dừng ở tuyên truyền thôi thì sẽ không có tác dụng. Dùng biện pháp chế tài đủ mạnh sẽ có thể thay đổi ngay hành vi "chặt chém". Đầu tiên, áp dụng hình thức chế tài phạt tài chính, đánh vào "nồi cơm" của người vi phạm.
Thứ nữa là tăng cường giám sát của cộng đồng. Công cụ chúng ta đang có hiện nay là mạng xã hội, một hành vi sai lệch chỉ cần được đưa lên mạng xã hội, cộng đồng sẽ lên tiếng và buộc người vi phạm thay đổi hành vi.
- Bà HUỲNH NGỌC VÂN (giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam):
Phối hợp lực lượng chức năng bảo vệ du khách
Những năm gần đây, vấn nạn "chặt chém", chèo kéo du khách, đặc biệt là khách quốc tế trở thành mối quan tâm lớn đối với ngành du lịch Việt Nam.
Nơi tôi từng công tác trước đây (Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM) đã sử dụng camera giám sát, đội bảo vệ của bảo tàng đã phối hợp chặt chẽ với công an địa phương và lực lượng thanh niên xung phong để bảo vệ du khách. Bảo vệ sẽ chủ động theo dõi, không chờ đợi đến khi sự cố xảy ra mới can thiệp.
Sự khen thưởng cũng đóng vai trò quan trọng, như việc ghi nhận những cá nhân xuất sắc trong công việc phục vụ du khách sẽ khuyến khích các nhân viên khác nỗ lực hơn.
- Ông NGUYỄN NGỌC TOÀN (CEO Image Travel & Event, chuyên thị trường khách Pháp):
Duy trì hàng rong nhưng quản lý chặt
Hàng rong, người bán hàng đường phố... là một đặc điểm văn hóa bản địa và nhiều quốc gia đang giữ như một điểm riêng, tuyệt đối phải giữ gìn. Nó vừa tạo điều kiện để một bộ phận dân cư có nguồn sống, và có hình ảnh bản địa gần gũi du khách. Và để duy trì cần dùng luật để quản lý, ngoài cân nhắc phạt tiền thì có thể phạt bằng lao động công ích, dọn rác, quét dọn các khu vực công cộng...
Vấn đề chính hiện nay là các cơ quan quản lý địa phương còn xem nhẹ chuyện này, đa số chạy theo giải quyết sau khi bị khách đưa lên mạng. Nhóm hàng rong, dịch vụ tự phát phải có sự giám sát bí mật và thường xuyên.
Tại TP.HCM, chúng ta cũng có lực lượng trật tự viên bảo vệ du khách thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác bảo vệ an toàn trật tự du lịch.
Cần tiếp tục huy động lực lượng này cùng tạo nên môi trường du lịch an toàn, an ninh và tạo thân thiện cho du khách.
- Thạc sĩ NGUYỄN TẤN DANH (hướng dẫn viên, giảng viên ngành du lịch):
Người bán hàng rong phải có giấy phép
Cần có quy định rõ ràng và mức phạt đủ nghiêm khắc cho hành vi "chặt chém" du khách. Lập thông tin người bán hàng rong trên cổng thông tin và hệ thống dữ liệu quốc gia, khi tái phạm sẽ có đủ cơ sở xử phạt thuyết phục, công khai vi phạm để tạo sự răn đe cho cộng đồng.
Ngoài ra cần thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các điểm du lịch trọng yếu, giao quyền cho các đơn vị hỗ trợ và có đội phản ứng nhanh khi có sự cố xảy ra.
Công khai số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ảnh. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và người dân địa phương xây dựng mô hình du lịch bền vững (về môi trường, văn hóa, kinh tế). Khi người dân có lợi ích trong mô hình này họ sẽ có ý thức và chú trọng đến chất lượng dịch vụ với giá cả hợp lý hơn.
Với người bán hàng rong và cho thuê các dịch vụ du lịch cần có hợp tác xã, hội nhóm do đoàn thể địa phương hoặc các hiệp hội ngành nghề quản lý. Việc này nhằm tạo sự giám sát chặt chẽ hơn và nâng cao tinh thần tự giác của người bán, cho thuê phục vụ du khách.
Mỗi hội nhóm sẽ có quy định rõ ràng về giá, cung cách phục vụ và hành vi ứng xử với du khách.
Bên cạnh đó cấp giấy phép bán hàng có thời hạn và có kế hoạch tập huấn về ứng xử du lịch, kiến thức về bảo vệ hình ảnh quốc gia và pháp luật liên quan. Giấy phép có thời hạn sẽ giúp việc kiểm soát dễ dàng hơn và đảm bảo người bán tuân thủ quy định.
Khi vi phạm, giấy phép sẽ bị thu hồi, không được tiếp tục kinh doanh.
Dùng AI, mã QR để dẹp nạn "chặt chém"
Tháng 2-2024, chính quyền Vùng đô thị Bangkok (BMA) đã công bố một loạt biện pháp nhằm bảo vệ khách du lịch khỏi nạn "chặt chém" của các tài xế xe tuk tuk, taxi và chủ các cửa hàng khi tới thăm thủ đô Bangkok.
Cụ thể, BMA sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với mạng lưới camera an ninh rộng khắp để dễ phát hiện các hành vi báo giá "trên trời". BMA sẽ cấp nhãn dán cho xe tuk tuk, taxi và các cửa hàng, xác nhận đây là những hãng đáng tin cậy, không tính phí quá cao, không lừa đảo du khách.
Bangkok cũng lắp đặt các biển cảnh báo du khách đề phòng bị tính giá hàng hóa, dịch vụ quá cao. Ngoài ra, BMA còn phối hợp với các cơ quan khác để xử lý những người bán hàng với giá "cắt cổ". Chính quyền địa phương cũng kêu gọi người dân tham gia giám sát các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ du lịch.
BMA cung cấp các số điện thoại để du khách có thể phản ảnh các thông tin "chặt chém", tìm kiếm sự giúp đỡ. Thành phố còn công khai danh sách các cửa hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giá phải chăng (theo tờ The Nation).
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc hợp tác với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các điểm du lịch lớn để ngăn chặn tình trạng bán giá cao.
Cảnh sát thủ đô Seoul và chính quyền thành phố đã thành lập các nhóm tuần tra đặc biệt mặc thường phục tuần tra các khu du lịch lớn để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhắm vào khách nước ngoài, bao gồm nạn "chặt chém" của tài xế taxi, cửa hàng, khách sạn và các dịch vụ khác - Hãng Yonhap đưa tin.
Ở Úc, chính quyền bang New South Wales cũng có nhiều biện pháp cứng rắn để xử lý nạn "chặt chém" du khách. Các tài xế taxi tính phí quá cao sẽ bị đưa vào danh sách đen và đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc. Những người vi phạm nhiều lần sẽ bị đuổi khỏi ngành, theo trang 9News.
Point to Point Transport Commission - cơ quan quản lý taxi, xe hợp đồng và xe công nghệ ở New South Wales - cho biết 70 nhân viên của cơ quan này sẽ mặc thường phục và sử dụng các dịch vụ vận chuyển như khách du lịch, theo The Straits Times.
Trang 9News còn cho biết Úc có kế hoạch ứng dụng mã QR để ngăn chặn các tài xế thiếu trung thực ở Sydney. Các mã QR sẽ được dán trên taxi để khách hàng thanh toán dịch vụ.
"Chính phủ không thể có mặt trên mọi chiếc taxi nhưng mã QR thì có thể", một quan chức giao thông địa phương nói.
0 nhận xét:
Post a Comment