Từ lễ hội đua ghe đến hòn đảo đầu tiên "cai" túi ni lông
Nhiều cựu cán bộ đã về hưu từng công tác ở thị xã Hội An và xã Tân Hiệp kể lại rằng những năm 1997, bài toán đau đầu nhất đặt ra cho chính quyền lúc đó là làm gì để dân không còn đói ăn, không còn phải bồng bế nhau ngược vào đất liền.
Trong một chuyến vào tham quan Nha Trang, câu hỏi "làm gì để dân Cù Lao Chàm hết đói, ổn định lâu dài trên đảo?" được chủ tịch Hội An lúc đó trăn trở với ông Nguyễn Hưng, bí thư Thị ủy Hội An. Thoáng chút suy nghĩ, ông Hưng liền bật ra một ý mà theo ông Nguyễn Sự là một sáng kiến tuyệt vời: Làm du lịch!
Sau khi cân nhắc hết các phương án, Hội An quyết định tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao làng biển gắn liền với mốc Bác Hồ về thăm làng cá (31-3-1959). Chính quyền huy động mỗi xã phường chuẩn bị một thuyền hoa, mỗi đội ghe đua trang hoàng một ghe hoa. Sau khi trang trí xong thì diễu hành từ đất liền tiến thẳng ra Cù Lao Chàm.
Ông Nguyễn Phương, người chứng kiến mốc 1-4-1997, nói rằng khi thấy tàu thuyền các nơi rợp trời đổ về Cù Lao Chàm thì nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao thông tin lan nhanh đến vậy. Cả vùng biển rợp trời ghe đua, không chỉ dân Quảng Nam mà ngư dân Đà Nẵng, Lý Sơn cũng kéo ra ầm ầm như đi hội.
Sự kiện đua ghe Cù Lao Chàm chỉ diễn ra quy mô địa phương nhưng dư âm để lại hơn mong chờ. Tiếng tăm Cù Lao Chàm được nhắc nhiều hơn, khách bắt đầu tò mò tìm đường ra thăm đảo. Chính quyền cũng sơ khai tổ chức những dịch vụ du lịch đầu tiên.
Tuy nhiên, nói đến Cù Lao Chàm chắc chắn không thể bỏ qua câu chuyện dân đảo nói không với túi ni lông. Kể lại dấu mốc này, ông Nguyễn Sự nói rằng khi Hội An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới (4-12-1999), nhận thấy du lịch sẽ đứng trước cơ hội bùng nổ nên chính quyền tìm mọi cách đưa khách ra thăm đảo. Nhưng Cù Lao Chàm lúc đó đâu cũng rác, dân thì bạ đâu vứt đó. Rác vây các cầu cảng, san hô mọc sát bờ nhưng bị bao ni lông siết chết tức tưởi.
Nhận thấy tình hình không ổn, ông Nguyễn Sự bàn với tập thể lãnh đạo vận động dân từ bỏ túi ni lông. Khi ý tưởng đưa ra thảo luận nội bộ thì ngay đảng viên, cán bộ đều lắc đầu than khó chứ chưa nói tới dân.
Suốt nhiều tháng đầu năm 2009, loa phát thanh phát bản tin tuyên truyền dân từ bỏ dần túi ni lông. Những cuộc họp với bà con luôn có đông nghẹt người dự. Ông Nguyễn Sự cùng tập thể lãnh đạo Hội An luôn có mặt dự để kiên nhẫn nghe. Ý kiến phản đối, thậm chí... chửi cũng không ít. Nhưng tới cuộc họp thứ 3 thì bà con đều giơ tay đồng thuận.
Trả tiền mua túi ni lông, phát giỏ cho dân đi chợ
Cấm túi ni lông là một chuyện, nhưng tìm nguồn vật dụng thay thế loại túi này lại là chuyện khó. Ông Sự nói hoàn cảnh lúc đó không dễ xoay xở. Có lần ông gọi điện cho ông Huỳnh Sơn Phước, lúc đó là phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Khi biết mong muốn của ông Sự thì ông Phước giới thiệu tới một đối tác cung cấp loại túi ni lông tự hủy. Nhưng khi anh em cán bộ Hội An đón xe vào tận nơi để kiểm tra thì mới biết đó là loại bao "tự rã" chứ không phải loại ni lông tự hủy như kỳ vọng.
Kể lại khoảnh khắc quyết định đến ý thức đồng thuận của dân đảo, ông Sự nói rằng ông hiểu "tính nết" dân biển nên cố gắng lắng nghe bà con nói. Một khi phản đối thì cũng ghê gớm, nhưng khi suy nghĩ đã thông suốt rồi thì họ lại ủng hộ hết lòng.
Trong đêm họp thứ 3, ngay khi tất cả bà con giơ tay đồng thuận sẽ từ bỏ túi ni lông, ông Sự đã "nhanh như chớp thời cơ" để trao tận tay từng bà con trên đảo mỗi người một chiếc giỏ nhựa. Số giỏ này được ông Sự bàn với ông Trần Thế Do - chủ thương hiệu may đo Á Đông Silk - âm thầm chuẩn bị sẵn trước đó. Chỉ cần dân đồng ý là phát ngay, không trì hoãn để không ai có thể đổi ý.
Những "tiền hiền" đặc biệt của du lịch xã đảo
Kể lại quá trình đổi thay nhanh chóng ở Cù Lao Chàm, nhiều nguyên lãnh đạo Hội An cho biết có những dấu mốc không thể quên.
Năm 1989, cơn bão lớn quét qua khiến Cù Lao Chàm tiêu điều, xơ xác. Số tàu gỗ của dân bị đắm và cả người chết cũng rất nhiều. Khi trực tiếp ra thị sát đảo, ông Đồng Sỹ Nguyên (lúc đó là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã chấp thuận đề xuất khẩn cấp cho xây ngay một âu tàu tránh bão. Nhờ âu tàu đó, bà con Cù Lao Chàm và các nơi có chỗ neo trú. Từ đó trở đi dân không bỏ đảo nữa mà chọn ở lại để chung tay xây dựng Cù Lao Chàm sung túc như bây giờ.
Khi dân số ở đảo ổn định, chính quyền đưa ra hướng thoát nghèo với khẩu hiệu ngắn gọn: "tựa lưng vô núi, mắt nhìn ra biển". Nghĩa là kiên quyết giữ rừng, không gian biển là sinh kế kết hợp bảo tồn để làm du lịch. Tới nay nhìn lại cho thấy đó là một định hướng của lịch sử mang tầm nhìn bền vững.
Để hiện thực hóa chủ trương này, Hội An cũng cho trồng hàng loạt gốc dừa ở các bãi cát, chỉnh trang lại các bãi tắm đẹp để làm sự kiện kéo khách ra đảo.
Chính quyền cũng vận động dân không khai thác rừng. Dân thay vì đun nấu bằng củi thì chuyển qua dùng than tổ ong. Không chỉ ở đảo mà ngay cả trong phố cổ Hội An. Có chuyện kể lại giờ vẫn khiến nhiều người không nhịn được cười. Đó là các đơn vị quân đội trên đảo Cù Lao Chàm được yêu cầu "thí điểm" nấu nướng bằng than tổ ong cho dân học theo. Do không quen, lần đầu tiên bộ đội phải ăn... cơm sống.
Nhìn cảnh ca nô đưa khách ra vào tấp nập Cù Lao Chàm hiện nay không ít người biết rằng có một doanh nhân Hội An đã liều mình đứng ra thí điểm đóng tàu gỗ chở khách ra đảo. Ông được ví như là "tiền hiền" của dịch vụ ca nô ra vào Cù Lao Chàm tấp nập hiện nay. Đó là ông Trần Hưng (tên thường gọi là Trần Hùng).
Năm 1999, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội An, ông Hùng dốc tiền đóng con tàu gỗ chở khách. Tàu được đặt cái tên rất đẹp: Hoài Giang (sông Hoài). Nhưng cả năm mà tàu chỉ đón được vài vị khách còm. Ông chủ tàu Hoài Giang mỗi lần nhìn lãnh đạo thành phố xuống thăm, động viên thì mếu máo và bảo ông phải đổi tên tàu Hoài Giang thành... Giang Hoài thì mới đúng. Vì tàu sắm ra mà cứ chạy rỗng, cứ dang giữa nắng mưa ngày này qua ngày khác.
Do thấy kém hiệu quả, chính quyền Hội An sau đó đã đồng ý chuyển tàu này qua thành tàu thủy bộ, chuyên chở hàng hóa, bà con Cù Lao Chàm ra vào đất liền.
Ở Cù Lao Chàm cũng từng có một chương trình thu gom túi ni lông chẳng giống nơi đâu. Để gom hết số túi còn nằm khắp bãi rác, túi chưa dùng ở nhà dân thì chính quyền phát loa thông báo ai có túi ni lông thì đem tới trụ sở xã để bán cho Nhà nước. Mỗi túi 150 đồng, có bao nhiêu mua bấy nhiêu.
Thế là dân bỏ việc để đi tìm túi ni lông về bán, đông nhất là trẻ nhỏ và học sinh. Nhiều cha mẹ còn "kinh doanh" bằng cách mua lại 100 đồng/túi từ con cái đi nhặt được rồi về lên xã bán kiếm lời 50 đồng/túi. Nhờ ý tưởng độc lạ này, chỉ sau vài tháng Cù Lao Chàm bỗng sạch sẽ hẳn, túi ni lông hầu như không còn thấy ở các thùng rác, mép nước, hè đường.
______________________________________
Với một hòn đảo chỉ 15km2 nhưng 99% diện tích là núi đá, chưa bao giờ sinh kế cho hàng ngàn con người ở Cù Lao Chàm là chuyện dễ dàng.
Kỳ tới: Bảo tồn hay mãi đói nghèo?
0 nhận xét:
Post a Comment