Tôi là một sinh viên Hàn Quốc rất bình thường như các bạn khác. Nhưng có một điểm đặc biệt tôi có khoảng thời gian 12 năm sống và học tập tại Việt Nam. Tôi đã tốt nghiệp cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại đây, và những năm tháng đó đã giúp tôi thấm nhuần nhiều nét văn hóa Việt Nam vô cùng độc đáo, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.
Những ngày đầu sống ở Việt Nam, tôi không khỏi ngạc nhiên trước nhiều điều khác biệt so với cuộc sống tại Hàn Quốc. Những thói quen như ngủ trưa tại trường hay chỗ làm, thưởng thức trái cây chấm muối ớt, hay văn hóa đi xe máy phổ biến ở Việt Nam – tất cả đều mới mẻ và lạ lẫm với tôi. Dần dần, nhờ sự giúp đỡ của các bạn Việt Nam, tôi không chỉ hiểu hơn về ý nghĩa của những điều đó mà còn thấy thú vị, khiến tôi học tiếng Việt nhanh hơn rất nhiều.
Một trong những điểm khác biệt mà tôi thấy thú vị nhất là thói quen ăn sáng của người Việt Nam. Ở Hàn Quốc, tôi thường bỏ qua bữa sáng để ngủ nhiều hơn. Nhưng ở Việt Nam, bố tôi, người đến Việt Nam trước tôi hai năm để kinh doanh, đã nhanh chóng hòa nhập và yêu thích văn hóa này, đặc biệt là món phở - một phần không thể thiếu trong bữa sáng hàng ngày của ông.
Bố tôi thích văn hóa mà nhất định phải ăn sáng, trong đó bố tôi rất thích ra ngoài ăn phở mỗi buổi sáng.
Lúc mới làm quen với phở, tôi luôn đi cùng bố ra quán phở mỗi sáng. Tôi không biết cách ăn thế nào nên quan sát bố thật kỹ: ông cho thêm giá đỗ vào khi bát phở còn nóng, sau đó nêm một ít hạt tiêu, nước mắm, thêm ớt tươi và tương ớt. Nhìn bố ăn phở, tôi bỗng cảm thấy đói theo, và quyết định làm theo ông.
Tôi bắt chước từng bước, cho giá đỗ, ớt, tương ớt, hạt tiêu và nước mắm vào bát phở của mình. Khi tôi chuẩn bị ăn miếng đầu tiên, bố tôi đột nhiên nhớ ra và nói: "Quên mất không gọi quẩy rồi!" Lúc ấy, tôi ngơ ngác, không biết "quẩy" là gì. Nhìn xung quanh, tôi thấy người ta nhúng một chiếc bánh xoắn lạ mắt vào bát phở.
Trong lúc đó, tôi nghe thấy tiếng gọi 'Quẩy' từ bàn khác và khách cho cái bánh đó vào bát phở và nhúng vào nước xúp ăn. Tôi cũng thử làm theo, nhưng lần đầu tiên cắn thử lại thấy quẩy quá cứng. Bố tôi cười và giải thích: "Quẩy phải nhúng lâu để ngấm nước phở mới ngon."
Kỷ niệm ấy với phở đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Và từ đó, tôi không còn chỉ xem phở là một món ăn bình thường mà là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Đó là câu chuyện đầu tiên của tôi và phở. Có một điều thú vị là khi ăn phở, người Hàn Quốc không thể ăn được rau mùi (rau ngò ta), tuy nhiên nhiều người không biết sự đa dạng của món phở Việt. Ở Hàn Quốc còn bán rất nhiều loại phở bên cạnh phở bò, phở gà còn phở cuốn, phở xài, phở trộn, phở chua, phở cay...
Dù vậy, số người biết về những loại phở này vẫn còn khá ít, vì thế tôi mong là nhiều người Hàn Quốc được nếm thử và thưởng thức nhiều loại phở khác nhau ở Vietnam Phở Festival Hàn Quốc 2024 và có trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Phở ngon mà!
Nghe tiếng Hàn quen thuộc trong quán phở Việt
Khi hỏi người Hà Nội về phở ngon nhất, nhiều người sẽ trả lời "Phở Bò Khôi Hói". Quán mở từ năm 1992, nằm trên phố Hàng Vải đông đúc, và tôi tự tin nói đây là quán phở số một ở Việt Nam.
Mỗi lần đến Hà Nội, tôi ghé thăm để tận hưởng bát phở tròn vị. Hương vị nước dùng bò hòa quyện với sợi phở mềm mại và thịt bò đã để lại hương vị thanhđạm của miền Bắc. Tôi khuyên du khách gọi thêm trứng chần, sự kết hợp giữa nước dùng đậm đà và lòng đỏ trứng mang đến hương vị hài hòa.
Quán luôn đông đúc từ sáng sớm, tạo không gian đặc biệt để cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Ngồi giữa dòng người nhộn nhịp và thưởng thức một bát phở là trải nghiệm khó quên. Quán nổi tiếng không chỉ với người Việt mà còn thu hútnhiều du khách Hàn Quốc. Khi thưởng thức phở, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng Hàn quen thuộc, mang đến cảm giác ấm lòng khi ở nơi xa lạ.
Phở là món ăn tinh tế mang lại hương vị đặc trưng của Hà Nội, là sự lựa chọn tin cậy của du khách khi đặt chân đến đây.
LEE DA YOON
Cuộc thi viết Phở Việt trong mắt tôi
Nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam thuộc chương trình "Ngày của Phở" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, cuộc thi viết "Phở Việt trong mắt tôi" được phát động nhân sự kiện Vietnam Phở Festival 2024, diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 5, 6-10 vừa qua.
Cuộc thi dành cho du học sinh Việt Nam, sinh viên Hàn Quốc đang học tập trong các trường đại học tại Hàn Quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc; là nơi để họ chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về phở, những kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam hoặc Hàn Quốc gắn liền với món phở, kỷ niệm về một nhân vật có thật, gắn bó hoặc có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.
Những bài viết hay, ấn tượng có cơ hội nhận giải:
01 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
01 giải nhì: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
01 giải ba: Mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
03 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
01 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt like cao nhất trên Tuổi Trẻ Online): Trị giá 10.000.000 đồng.
01 giải cho người có nhiều bài dự thi nhất: Trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức nhận bài dự thi trước 7-10-2024, dự kiến công bố giải vào ngày 12-12-2024.
Ngày của Phở 12-12 là chương trình do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng và liên tục tổ chức từ năm 2017 đến nay. Từ năm 2018, ngày 12-12 chính thức được xác lập là "Ngày của phở Việt Nam".
Hiện "Ngày của Phở" đã trở thành một hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực thường niên quan trọng, góp phần nâng tầm và lan tỏa mạnh mẽ món Phở nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung ra khắp thế giới.
Trong "Ngày của Phở", rất nhiều hoạt động được tổ chức như: cuộc thi Ký ức về phở; Hiến kế phát triển Ngày của phở; Triển lãm phở và Hành trình trở về phở xưa; Bình chọn những quán phở được ưa thích nhất hay cuộc thi ảnh và viết Phở trong tôi...
Đặc biệt cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon với danh hiệu Hoa hồi vàng thu hút nhiều đầu bếp trẻ tham gia và đoạt giải. Nhiều tổ chức, đơn vị, quán phở nổi tiếng ở khắp cả nước đã cùng hưởng ứng, đồng hành quảng bá cùng Ngày của phở 12-12 trong suốt 7 năm qua.
0 nhận xét:
Post a Comment