Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng xem xét bổ sung sân bay Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Đã nghiên cứu, thẩm định nhiều khâu"
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum, việc quy hoạch sân bay đã lấy ý kiến và được sự đồng thuận của tám bộ ngành và ba địa phương lân cận. Các yếu tố về kỹ thuật hàng không, khí tượng thủy văn... đều đã được nghiên cứu tính toán đảm bảo. Dự án đã được thẩm định qua nhiều khâu, nhiều cơ quan chuyên môn.
Ông Phan Mười, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum, khẳng định việc xây dựng sân bay hài hòa với việc phát triển đô thị Kon Plông kết hợp với nhu cầu hàng không, giúp tăng trưởng hàng không, du lịch, hình thành các khu đô thị mới.
"Doanh nghiệp nắm được thị hiếu, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước để lên phương án đầu tư hiệu quả. Trong đó tiềm năng của Kon Tum là vùng Kon Plông còn nhiều rừng nguyên sinh. Nhà đầu tư đã có phân tích, đánh giá đầu tư song song với giữ rừng, phát triển du lịch dưới tán rừng", ông Mười chia sẻ.
UBND tỉnh Kon Tum cho biết Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Măng Đen với mục tiêu phát triển thành khu du lịch quốc gia. Lượng khách du lịch tới Măng Đen dự báo đạt khoảng 2 triệu lượt vào năm 2030 và đạt 5 triệu lượt đến năm 2045.
Một lãnh đạo của Hội Du lịch Măng Đen cũng cho rằng rất mong chờ và ủng hộ sớm triển khai dự án này để thúc đẩy phát triển ngành du lịch địa phương. Theo hội này, thời gian qua du khách Hà Nội và TP.HCM muốn đến Măng Đen phải bay qua Pleiku và đi ô tô khoảng 100km.
"Dù cự ly không quá dài nhưng do đường đèo dốc quanh co, chênh lệch độ cao lớn nên rất nhiều du khách mệt mỏi, kiệt sức khi tới điểm đến. Nếu có sân bay ngay Măng Đen sẽ tăng sức hấp dẫn với du khách, đồng thời tăng sức hút các dòng vốn vào đầu tư phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ tại Măng Đen", vị này nói.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng việc đầu tư sân bay tại Măng Đen sẽ ảnh hưởng môi trường, cảnh quan khu vực. Theo một số chuyên gia, cần giữ nguyên trạng rừng Măng Đen để phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.
"Măng Đen là thị trấn nhỏ, quy mô dân số không cao, việc đầu tư sân bay có thể dẫn tới lãng phí, kém hiệu quả", một chuyên gia khuyến cáo.
Nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ cũng cho rằng thay vì đầu tư thêm sân bay, có thể dùng nguồn lực này đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 24 từ TP Pleiku đến Măng Đen theo tiêu chuẩn đường cao tốc để khai thác hiệu quả sân bay Pleiku. Trên thực tế, cự li di chuyển từ TP Pleiku tới Măng Đen chỉ là 100km với thời gian hai giờ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho hay việc đánh giá hiệu quả dự án sân bay Măng Đen phải xem xét trong tổng thể khu du lịch quốc gia Măng Đen. Trong đó sân bay là động lực phát triển cho khu du lịch quốc gia và sự phát triển của khu du lịch sẽ thu hút du khách đến Măng Đen.
"Nếu tách riêng sân bay khỏi quần thể khu du lịch để xem xét đầu tư sẽ không hiệu quả và Nhà nước cũng không đầu tư" - ông Tuấn nói và khẳng định cơ quan chuyên môn và tư vấn đã khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng khi chọn địa điểm để không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường và diện tích rừng tự nhiên tại Măng Đen.
Dự án này dự kiến được đầu tư theo phương án đối tác công - tư, trong đó ngân sách tỉnh chỉ chi một phần rất nhỏ để giải phóng mặt bằng. Cũng theo ông Tuấn, địa phương và nhà đầu tư cũng đã nghiên cứu phương án tận dụng sân bay Pleiku nhưng không khả thi. Nhà đầu tư định hướng phát triển du lịch chất lượng cao, đón dòng khách nghỉ dưỡng cao cấp.
"Do đó việc di chuyển cự ly 100km trên đường đèo dốc sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm du khách, giảm sức hấp dẫn của điểm đến", ông Tuấn khẳng định.
Quy hoạch sân bay trên đất rừng sản xuất
Theo đề án nghiên cứu vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng, sân bay dự kiến được đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nằm hoàn toàn trên khu vực đồi núi với diện tích khoảng 350ha.
Việc đầu tư sân bay Măng Đen cần khoảng 4.900 tỉ đồng, chủ yếu huy động từ nhà đầu tư qua phương thức đối tác công - tư.
Theo tìm hiểu, khu vực được quy hoạch sân bay này đang là vùng rừng trồng sản xuất và không có khu dân cư, do Công ty lâm nghiệp Kon Plông đang quản lý.
Sân bay Pleiku cách Măng Đen chỉ 100km
Sân bay Pleiku cách Măng Đen 100km, công suất thiết kế khoảng 600.000 lượt hành khách/năm, chủ yếu khai thác hai đường bay kết nối Hà Nội và TP.HCM với tần suất 6 chuyến đi và 6 chuyến đến/ngày.
Theo đại diện sân bay này, ngoại trừ một số thời điểm kinh tế sôi động, lượng khách phục vụ đạt trên 1 triệu lượt khách/năm, lượng khách qua lại sân bay này chỉ quanh mức trên 600.000 khách/năm. Trước đây các hãng hàng không từng cố gắng mở thêm đường bay Pleiku - Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng... nhưng chỉ được một thời gian rồi dừng lại vì lượng khách đi lại không nhiều.
0 nhận xét:
Post a Comment