Sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh Phản cảm leo lên xe tăng, súng, pháo ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chụp ảnh, cha mẹ còn cổ vũ, rất nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc với ý thức của nhiều người và yêu cầu phạt thật nặng hành vi này.
Bảo tàng lịch sử chứ đâu phải khu vui chơi
Nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc khi thấy những hình ảnh phản cảm của một số người tới tham quan, không chỉ trẻ con mà cả người lớn leo lên xe tăng, trực thăng, xâm phạm các hiện vật, đặc biệt các bảo vật tại bảo tàng.
"Đã vào bảo tàng lịch sử mà từ cha mẹ đến trẻ nhỏ đều vô ý thức. Cha mẹ là người lớn biết suy nghĩ, đi tham quan những nơi như vậy mà ý thức như vậy thì làm sao con trẻ nên người", bạn đọc Phuongpk chia sẻ.
Bạn đọc Dinh Gia Hung nêu ý kiến: "Tôi là một cựu chiến binh, đọc bài này của Tuổi Trẻ Online tôi đã khựng lại sau khi thấy hình ảnh các cháu nhỏ leo lên hiện vật vô cùng quý giá. Sự giáo dục con trẻ như vậy là lỗi và ý thức của chính cha mẹ chúng".
Cùng quan điểm, bạn đọc Anh Sang cho rằng: "Trách nhiệm và ý thức là của cha mẹ, người lớn đi cùng. Đây là bảo tàng chứ không phải công viên hay khu vui chơi giải trí thông thường mà cứ thấy một người trèo được là tất cả bắt chước theo".
Bạn đọc Tư xe ôm lại nói, hồi những năm 1980, ở Cần Thơ cũng có một bảo tàng lịch sử ở Quân khu 9. Mỗi khi rảnh rỗi tôi vào đó đi xem từng ngóc ngách của bảo tàng, từng mê mẩn trước những chiếc máy bay, khẩu pháo..., nhưng chưa bao giờ chạm tay vào. Đơn giản vì trước các hiện vật đó đều có ghi "cấm sờ..."
Bảo tàng cần xem lại cách tổ chức, bảo quản
Bên cạnh những bức xúc trước ý thức của những người đến tham quan bảo tàng, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ thắc mắc tại sao bảo tàng không lên kế hoạch, hướng dẫn, phân luồng từ đầu.
Và không ít bạn đọc đặt câu hỏi tại sao bảo tàng không có những biện pháp quản lý, bảo vệ những hiện vật một cách nghiêm ngặt hơn, nhất là các bảo vật quốc gia.
Bạn đọc Thọ có ý kiến: "Sao không giăng dây cảnh báo không được vào? Bảo vệ và nhân viên đâu mà không cảnh báo? Sao không lập biên bản phạt vi phạm để cảnh báo người sau?".
Bạn đọc Dinh Gia Hung hỏi vì sao bảo tàng không xây dựng được kế hoạch tiếp đón, hướng dẫn và giám sát nghiêm ngặt hơn?
"Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì ngoài sự hư hỏng của hiện vật còn tạo ra sự thiếu trách nhiệm đối với lịch sử của cha ông" - bạn đọc Dinh Gia Hung bày tỏ.
Bạn đọc Nguyễn Hải Hưng cho rằng lỗi tại người đi xem bảo tàng một phần, lỗi tại người quản lý một phần không nhỏ.
Và bạn đọc Cao Khánh đề xuất: "Cần có chế tài xử phạt khi vi phạm quy định của bảo tàng. Đây là những hiện vật vô giá cho muôn đời sau".
Theo một số bạn đọc, bảo tàng nên xem lại khâu tổ chức, ví dụ khả năng phục vụ cùng lúc được bao nhiêu khách thì tiếp bấy nhiêu thôi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng phòng tuyên truyền - giáo dục Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết đang ghi nhận tất cả những ý kiến của người dân để công tác phục vụ của bảo tàng tốt hơn.
"Tại các khu vực hiện vật, chúng tôi có giăng dây và đặt những biển thông báo đến người dân, du khách tham quan cần tuân thủ những quy định.
Tuy nhiên, lượng người đổ về quá đông cùng một lúc, trong đó nhiều người dân không chấp hành những thông báo nên đã xảy ra những hình ảnh, hành động không đẹp.
Trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tăng cường trong việc bố trí nhân lực ở khắp các khu vực của bảo tàng, nhằm phục vụ người dân và du khách một cách tốt nhất", bà Lan Hương nói.
0 nhận xét:
Post a Comment